Trừ nghệ sỹ từ công ty các "ông lớn", nghệ sỹ tân binh có khi phải chờ cả năm sau khi lên sàn mới nhận được đồng lương đầu tiên.
Mới đây, thành viên A của một nhóm nhạc thần tượng cho biết đã nhận được khoản thù lao đầu tiên sau khi đặt chân lên sàn đấu Kpop. A cho biết: “1 năm sau khi ra mắt, tôi và một số bạn bè cùng tuổi bắt đầu bàn đến chuyện tiền thù lao. Việc ai được nhận tiền thù lao sớm hơn đã trở thành tiêu chuẩn đánh giá thành công”.
Trong 2 năm vừa qua, nhóm của A phát hành tổng cộng 3 mini album, liên tục quảng bá ở Hàn Quốc và nước ngoài, đồng thời tích cực xuất hiện trong các chương trình truyền hình. Mỗi lần anh chàng đả động đến vấn đề tiền thù lao, công ty quản lý đều trả lời rằng A vẫn chưa đạt đến điểm hòa vốn.
Dù có sự chênh lệch nhưng thông thường chi phí cho kế hoạch ra mắt của một nhóm thực tập sinh
rơi vào khoảng nửa tỉ đến 1 tỉ WON (~ 9 tỉ đến 18,1 tỉ VNĐ)
Vấn đề thù lao thường được công ty quản lý đưa ra sau khi “gà” đã đạt đến điểm hòa vốn. Thông thường, chi phí sản xuất bao gồm các hoạt động luyện thanh, luyện vũ đạo, ghi âm, sản xuất CD, thực hiện MV, cũng như một số chi phí tuyên truyền khác.
Bên cạnh đó, khi nhóm nhạc bắt đầu tham gia các chương trình truyền hình, khoản chi phí này sẽ tiếp tục tăng lên để phục vụ chuyện trang phục, làm tóc cùng trả thù lao cho vũ công phụ họa.
Ngoài ra, công ty quản lý còn phải “móc hầu bao” để giúp thành viên của các nhóm nhạc trở thành khách mời cố định trong các chương trình truyền hình. Chi phí nhà ở, thức ăn, phòng thu dĩ nhiên cũng không thể bỏ qua.
Ở giai đoạn đầu của kế hoạch phát hành album, công ty quản lý thường chú trọng việc đưa gà cưng của mình xuất hiện trong các chương trình truyền hình. So với phí tổn 3 - 4 triệu WON (~ 54,5 triệu – 72,7 triệu VNĐ) phải bỏ ra để thần tượng có thể tham gia vào một chương trình, khoản bù lại thường chỉ rơi vào khoảng 300.000 - 400.000 WON (~ 5,4 triệu – 7,2 triệu VNĐ).
Thêm vào đó, số lượng đài truyền hình lên tới con số 5 (KBS, SBS, MBC, MBC Music, Mnet) lại càng khiến các công ty rơi vào tình trạng âm thu nhập.
Quá trình “xuất xưởng” gà cưng đòi hỏi vô số loại chi phí khác nhau
Trong khi đó, nhóm nhạc thần tượng hàng đầu B phát hành 3 album trong năm 2011 và được trả thù lao 2 lần trong nửa đầu và nửa cuối năm.
Thành viên C của nhóm B giải thích: “Dù album đầu bán chạy mà album thứ 2 không được ủng hộ thì chúng tôi cũng chẳng được nhận thù lao. Trên thực tế, điều chúng tôi luôn lo lắng mỗi lần phát hành album là liệu mình có thể vượt qua điểm hòa vốn hay không”.
Theo đó, C cũng hết sức quan tâm đến chi phí sản xuất: “Trong quá trình chuẩn bị album, nếu nhận thấy điểm không cần thiết trong khoản chi của công ty quản lý, chúng tôi đều đưa ra yêu cầu cắt giảm. Dù sao thì chúng tôi cũng sẽ phải tự mình kiếm ra khoản chi đó”.
Khi công ty quản lý lên lịch cho nghệ sĩ tham gia dự án quảng bá ở nước ngoài mà không được đồng tình, nghệ sĩ đó cũng sẽ phải chịu gánh nặng tài chính. Về cơ bản, chỉ khi nhận được sự đồng tình của gà cưng, công ty quản lý mới có thể xúc tiến hoạt động tuyên truyền ở nước ngoài. Tuy nhiên trên thực tế, gà cưng khó có thể làm trái ý muốn của công ty quản lý.
Dù muốn hay không, gà cưng cũng không thể làm trái ý muốn của công ty quản lý
Dù những tình huống này nghe qua thì có vẻ hợp lý, nhưng nếu thẳng thắn nhìn nhận thì những chuyện như vậy sẽ không phát sinh ở một môi trường làm việc bình thường. Điều này cũng giống như cho rằng một công ty không trả lương cho nhân viên vì không thu được lợi nhuận, hay thất bại của công ty quản lý là do nghệ sĩ.
Đại diện của một công ty khẳng định: “Trước đây, có nhiều trường hợp chi phí sản xuất và chi phí sự kiện được tính riêng. Nghệ sĩ nhận được thù lao khi chi phí sản xuất vượt qua điểm hòa vốn, đồng thời chi phí sự kiện được chia cho cả nghệ sĩ và công ty quản lý.
Tuy nhiên, phần lớn các công ty quản lý thực hiện chủ trương này đều phải đối mặt với thất bại. Khó có công ty nào có thể vận hành bình thường và tồn tại trong ngành này nếu không đạt được điểm hòa vốn”.
Nghệ sĩ trực thuộc SM và JYP thường thu được lợi nhuận ngay sau khi ra mắt
Ở Hàn Quốc, SM Entertainment chịu trách nhiệm hoàn toàn về chi phí sản xuất, JYP Entertainment thì chịu trách nhiệm về vấn đề sản xuất album, cũng như toàn bộ chi phí quá trình sản xuất. Sở dĩ SM và JYP có thể làm được điều này là vì cả hai có những nghệ sĩ đem lại khoản lợi nhuận giúp công ty hỗ trợ các nghệ sĩ khác.
SM Entertainment nói: “Chi phí ra mắt và chuẩn bị album cho một thực tập sinh được chi trả nhờ khoản lợi nhuận do các nghệ sĩ khác mang lại”.
Trong trường hợp này, nghệ sĩ trực thuộc SM và JYP bắt đầu thu được lợi nhuận ngay sau khi ra mắt. Thế nhưng việc phân chia lợi nhuận như thế nào thì còn tùy thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng giữa nghệ sĩ và công ty.
Cre: Kênh 14